• CÔNG TY CỔ PHẦN TƯ VẤN QUẢN TRỊ CGS VIỆT NAM
  • CGS VIETNAM JOINT STOCK COMPANY

‘Đua’ phát hành báo cáo bền vững nhưng doanh nghiệp cần thực chất hơn

7 e1731905960578

(KTSG Online) – Số lượng doanh nghiệp niêm yết phát hành báo cáo bền vững độc lập với báo cáo thường niên tăng vọt trong năm nay, cho thấy sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá vẫn còn rất nhiều thứ cần phải cải thiện và cần làm thực chất hơn.

hose vlca2024 2Bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: DNCC.

Lượng phát hành theo chuẩn quốc tế tăng 40%

Nối tiếp đà tăng liên tục qua các năm, số lượng các công ty niêm yết lập báo cáo phát triển bền vững riêng biệt (khác với báo cáo thường niên) đã tăng lên mức kỷ lục từ 21 lên 33, theo số liệu từ Hội đồng bình chọn của Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) lần thứ 17, diễn ra cùng Hội nghị doanh nghiệp niêm yết 2024 vào chiều tối ngày 16-11.

Cụ thể hơn, số lượng doanh nghiệp lập và công bố báo cáo phát triển bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế cũng tăng 40% so với năm 2023, với các chuẩn mực như GRI, Báo cáo Tích hợp, SASB, và ISSB (tích hợp TCFD). Đây cũng là mùa có số lượng báo cáo phát triển bền vững riêng biệt cao nhất và số lượng các báo cáo được vào vòng chung khảo cao nhất trong 12 năm qua.

“Điều này phản ánh xu hướng công bố thông tin về phát triển bền vững ngày càng được coi trọng. Đồng thời, nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện báo cáo phát triển bền vững cũng được ghi nhận”, thông cáo của Hội đồng bình chọn đánh giá.

Chia sẻ bên lề sự kiện với KTSG Online, ông Nguyễn Viết Thịnh, Tổng giám đốc CGS Việt Nam, Trưởng ban giám khảo Hội đồng bình chọn hạng mục Phát triển bền vững của VLCA, đánh giá năm nay không chỉ có số lượng tăng đột biến, mà chất lượng báo cáo nhìn chung đều tốt hơn so với những năm trước đây, kể cả những công ty lần đầu phát hành. Trong đó đa số các doanh nghiệp đều áp dụng chuẩn mực quốc tế, giúp chất lượng thông tin công bố tốt hơn.

Bên cạnh đó, một điểm đáng chú ý khác là sự tăng tốc của các đơn vị là tổ chức dịch vụ tài chính. Trước đây thường chỉ có 2-3 báo cáo trong ngành này được lập riêng biệt, chiếm khoảng 10% tổng số báo cáo, nhưng tỷ trọng năm nay lên đến 30%. Trong đó có 6 ngân hàng, 2 bảo hiểm và 2 công ty tài chính và chứng khoán.

Theo ông Thịnh, ví dụ như Ngân hàng OCB ghi nhận “tiến bộ” về báo cáo phát triển bền vững, tức báo cáo năm nay trình bày đầy đủ và cải thiện vượt bậc hơn so với năm trước.

Chia sẻ thêm với KTSG Online, ông Nguyễn Huy Đức, Giám đốc Tài chính tại OCB cho biết trong báo cáo thường niên mọi năm luôn dành một chương để nói về phát triển bền vững, nhưng năm nay ngân hàng phát hành bản riêng. “Bên cạnh mục tiêu làm rõ, đây gần như là lời tuyên ngôn với khách hàng, đối tác, nhà đầu tư và nhân viên là ngân hàng xanh”, ông Đức nói. Trong năm 2024, OCB ký hợp đồng tư vấn với Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) trong quyết tâm trở thành ngân hàng xanh, trước đó hai bên đã hợp tác để đưa ra tiêu chí tài trợ xanh từ năm 2012.

hose Vlca2024 3Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, trình bày về tác động của sự kiện “Trump 2.0” đến Việt Nam tại hội nghị, trong đó nhấn mạnh các doanh nghiệp niêm yết cần sớm chuẩn bị kịch bản. Ảnh: V.D.

Nhưng vẫn còn nhiều điều cần cải thiện

Theo ông Thịnh, báo cáo phát triển bền vững là công cụ cung cấp thông tin cho các bên liên quan về kết quả cũng như chiến lược hành động về môi trường cũng như quản trị. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ số lượng năm nay tăng lên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, các thông tin công bố phần lớn là định tính, phần định lượng chưa nhiều và cũng chưa theo quy chuẩn. Báo cáo vẫn còn thiếu thông tin liên quan đến môi trường, năng lượng, chất thải… đặc biệt là vấn đề phát thải khí nhà kính, dù đã có quy định cụ thể với doanh nghiệp niêm yết.

Một vấn đề khác nữa là tính liên kết trong thông tin trình bày, tức sự liền mạch giữa con số thực tế cho đến kế hoạch hành động, đa phần chỉ dừng lại ở mức độ tham chiếu theo các quy chuẩn nước ngoài. “Đa phần trình bày theo kiểu tổng hợp lại một cách có hệ thống những hoạt động của doanh nghiệp. Đây là điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý”, ông Thịnh cho biết.

Dù vậy, ông Thịnh cũng đặt kỳ vọng với nền tảng và đà tăng của năm nay, số lượng các doanh nghiệp tuân thủ chuẩn mực GRI nhiều hơn, đồng thời chú ý cả những chuẩn mực khác vì mỗi chuẩn mực quốc tế có đối tượng tiếp cận khác nhau, chẳng hạn nhóm các nhà đầu tư thì cũng sẽ có tiêu chí phù hợp riêng.

Tuy nhiên, vấn đề mà ông Thịnh nhấn mạnh là việc làm báo cáo thực chất. Năm nay ghi nhận một số doanh nghiệp lớn có chiến lược, mục tiêu rõ ràng liên quan đến biến đổi khí hậu và lộ trình thực hiện theo thời gian cụ thể. “Những doanh nghiệp thực chất làm thì thể hiện rõ qua chiến lược, kế hoạch hành động và kết quả, còn những doanh nghiệp báo cáo chưa chuyên sâu thì kết quả chưa tốt”, ông Thịnh nói.

 

hose vlca2024 1Bà Trần Anh Đào,Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở giao dịch chứng khoán TPHCM, cho biết số lượng công bố thông tin trên HOSE giảm dần. Ngoài ra Sở cũng đã triển khai công bố thông tin một đầu mối. Ảnh: DNCC.

Đánh giá tương tự, bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), Chủ tịch Hội đồng bình chọn VLCA 2024 nhìn nhận một số báo cáo phát triển bền vững vẫn chưa công bố đầy đủ nhiều hạng mục thông tin, trong đó có đánh giá rủi ro, đánh giá về chính sách, kết quả thực hiện chính sách đó, hay thiếu công bố bản tiếng anh. “Đây là điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý, đồng thời nếu đưa ra các chính sách thì cần phải có biện pháp thực hiện và đánh giá việc thực hiện đó”, bà Đào chia sẻ bên lề với KTSG Online.

Từ phía HOSE, một trong những giải pháp giúp tăng cường chất lượng báo cáo là kết nối nhiều bên để cùng lan tỏa kiến thức nhiều hơn tới các doanh nghiệp niêm yết. Tại sự kiện này, đại diện HOSE cũng giới thiệu về việc nâng cấp website mới và Fanpage của VLCA, được kỳ vọng là địa chỉ để doanh nghiệp cập nhật thông tin, kiến thức, giải đáp thắc mắc trong quá trình thực hiện báo cáo.

“Đây là kiến thức chung cho cộng đồng doanh nghiệp niêm yết. HOSE cùng các bên liên quan rất mong muốn phát triển và lan tỏa rộng rãi hơn kiến thức này tới các doanh nghiệp, để hướng đến minh bạch, phát triển bền vững”, bà Đào nói, đồng thời đặt kỳ vọng sự hỗ trợ này góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam bắt kịp với tiêu chuẩn quản trị trong khu vực.

Năm 2024 là năm thứ 17 Cuộc bình chọn VLCA diễn ra. Các hạng mục được xem xét là Báo cáo thường niên, Quản trị công ty, Báo cáo Phát triển bền vững.

Đối với hạng mục Báo cáo phát triển bền vững, các doanh nghiệp đạt giải năm nay bao gồm Vinamilk (giải nhất và giải Doanh nghiệp báo cáo quản lý khí thải nhà kính tốt nhất), Sợi Thế Kỷ (giải nhì), Imexpharm (giải khuyến khích – tính đầy đủ), Phân bón Dầu khí Cà Mau (giải khuyến khích – Tin cậy), Tập đoàn Bảo Việt (giải khuyến khích – trình bày) và Ngân hàng OCB (giải tiến bộ).

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards), do Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Báo Đầu tư phối hợp tổ chức với sự tài trợ thường niên và duy nhất của Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital; các đối tác hỗ trợ kỹ thuật gồm Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), các công ty kiểm toán (PwC, Deloitte, KPMG, EY) và sự hỗ trợ thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Bà Trần Anh Đào, Phó Tổng giám đốc Phụ trách Ban điều hành Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Chủ tịch Hội đồng bình chọn VLCA 2024, cho biết, VLCA không chỉ dừng lại ở việc bình chọn và vinh danh mà đặt mục tiêu nâng tầm vị thế của các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam thông qua việc thúc đẩy các sáng kiến quản trị tiên tiến, khuyến khích sự cam kết của các doanh nghiệp áp dụng các thông lệ tốt, góp phần xây dựng một thị trường tài chính vững mạnh.

Nguồn: thesaigontimes.vn (Link bài viết gốc tại đây)