2203092554 2d1

Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2022
Nguyễn Viết Thịnh (Exclusive for VIOD)

Biến đổi khí hậu, COP26 và các cam kết Net Zero của Việt Nam và các quốc gia
Tình trạng trái đất nóng lên gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến thế giới như hạn hán, lũ lụt, nước biển dâng, thiếu nước ngọt… Các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở đó mà còn gây tác động trên quy mô rộng lớn lên sức khỏe của con người, an ninh lương thực… Tương lai của loài người phụ thuộc vào các nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Nguyên nhân lớn nhất (nhưng không phải duy nhất) gây ra biến đổi khí hậu chính là phát thải khí nhà kính.

Vào đầu tháng 11/2021, hội nghị Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (gọi tắt là COP26) đã được tổ chức tại Glassgow (Scotland, Vương quốc Anh). Tại hội nghị, sau rất nhiều trao đổi và thương thảo liên quan đến các khía cạnh khác nhau về biến đổi khí hậu, Việt Nam cùng với gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (Net Zero) vào giữa thế kỷ. Trong số các quốc gia cam kết mục tiêu Net Zero vào 2050 có nhiều quốc gia công nghiệp như Anh, Mỹ.

Ngoài mục tiêu Net Zero, Việt Nam cũng cùng với các quốc gia khác đã tham gia vào nhiều cam kết khác nhau liên quan đến biến đổi khí hậy như: Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu…

2203092554 2d1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị COP26 (Chinhphu.vn)

Vậy phát thải ròng bằng không hay Net Zero có nghĩa là gì?
Về mặt kỹ thuật, phát thải ròng bằng không sẽ đạt được khi tất cả các loại phát thải khí nhà kính do con người được cân bằng với lượng đào thải carbon ra khỏi bầu không khí. Đầu tiên lượng khí carbon phát thải ra bầu không khí do con người gây ra (như khi chúng ta sử dụng năng lượng hóa thạch cho mục đích sản xuất, sinh hoạt gia đình và giao thông) phải được giảm xuống mức thấp nhất có thể được. Sau đó, phần còn lại cần được cân bằng với một lượng carbon tương đương bị loại bỏ, có thể thông qua các hoạt động như phục hồi rừng hoặc sử dụng công nghệ thu hồi và lưu giữ không khí trực tiếp (DACS).

Net Zero có ý nghĩa gì với doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp ngày càng chịu áp lực lớn từ các bên liên quan trong việc tham gia nhiều hơn và chủ động hơn trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu.

Áp lực đầu tiên đến từ các cổ đông, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức. Ở cấp độ thể giới, năm 2021, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã nhấn mạnh rằng họ kỳ vọng “HĐQT cần định hướng và giám sát cách thức triển khai của ban điều hành đối với các vấn đề phát triển bền vững trọng yếu trong mô hình kinh doanh của công ty. HĐQT cũng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu thực hành và công bố thông tin về các vấn đề này không đáp ứng được kỳ vọng”. Tại Việt Nam, Dragon Capital, một trong các quỹ đầu tư lớn nhất, đã cam kết tuân thủ nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của liên hợp quốc. Theo đó, xuyên suốt các giai đoạn đầu tư (từ thẩm định, đầu tư và theo dõi sau đầu tư), các yếu tố về môi trường sẽ được quỹ này xem xét một cách kỹ lưỡng như việc khả năng hồi và sinh lời từ các khoản đầu tư.

Ở góc độ cơ quan quản lý, rất nhiều các quốc gia đã đưa ra các quy định ngặt nghèo hơn đối với các doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về môi trường. Các qui định về công bố thông tin liên quan đến môi trường cũng ngày càng chặt chẽ hơn. Tại Việt Nam, gần đây nhất, ngày 16 tháng 11 năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 96/2020/TT-BTC yêu cầu bắt đầu từ kỳ báo cáo năm 2021, các công ty đại chúng phải công bố về tổng lượng phát thải trực tiếp và gián tiếp.

Ở góc độ khách hàng và cộng đồng, ngày càng có nhiều yêu cầu khắt khe hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường.

Mỗi một doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau sẽ chịu/hưởng các tác động/lợi ích khác nhau khi đặt mục tiêu Net Zero. Ở góc độ chung, mục tiêu này sẽ dễ dàng ảnh hưởng đến chiến lược của công ty, mô hình hoạt động, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng, các vấn đề về nhân sự cũng như qui trình sản xuất.

Sớm hay muộn, các doanh nghiệp cần phải điều chỉnh và định hướng hoạt động kinh doanh của mình để đáp ứng các yêu cầu về Net Zero. Theo công bố của PwC, ngay từ 2019 đã có gần 300 công ty hàng đầu trên thế giới đã cam kết mục tiêu net zero vào 2050, mặc dù trong số họ có các mức độ phát triển khác nhau về hạ tầng cũng như điều kiện hiện tại về việc đạt được các mục tiêu này.

Hội đồng Quản trị cần làm gì?
Hội đồng Quản trị (HĐQT) có hai vai trò cốt lõi trong doanh nghiệp là vai trò định hướng và vai trò giám sát. Liên quan đến mục tiêu Net Zero, HĐQT cần là trung tâm trong việc đưa ra các định hướng và quyết định đến tốc độ của việc chuyển đổi. HĐQT là người đưa ra các yêu cầu để phân tích các tình huống thực tế, cơ hội và các rủi ro có liên quan và yêu cầu BĐH lập chiến lược, đề xuất các mục tiêu và kế hoạch hành động cụ thể. Cụ thể hơn, HĐQT cần chú ý đến các vấn đề dưới đây:

Hiểu rõ doanh nghiệp đang ở đâu, vị thế nào?

Theo một khảo sát gần đây của ACCA, chỉ có 15% các doanh nghiệp sẵn sàng với mục tiêu Net Zero vào 2050. Rõ ràng, đa số  các doanh nghiệp đang chưa hiểu rõ và chưa sẵn sàng với mục tiêu này. HĐQT cần hiểu rõ doanh nghiệp của mình đang ở đâu trong chặng đường hướng tới Net Zero bằng cách tập trung vào một số vấn đề chính sau

  • Xác định các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nói chung đến cộng đồng nói chung, đến ngành mà doanh nghiệp đang hoạt động và với bản thân doanh nghiệp.
  • Hiểu rõ mức phát thải khí nhà kính hiện tại của doanh nghiệp cũng như của ngành đang ở mức độ nào.
  • Hiểu rõ đâu là các áp lực/động lực để doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu Net Zero. Các áp lực/động lực này có thể đến từ các cổ đông/nhà đầu tư, từ cơ quan quản lý, từ khách hàng và thị trường, từ xu hướng giảm giá của các công nghệ thân thiện với môi trường cũng như từ các bên liên quan khác.
  • HĐQT cũng cần hiểu rõ các rủi ro và cơ hội đối với doanh nghiệp liên quan đến biến đổi khí hậu. HĐQT cần hiểu các rủi ro này đang ở mức độ nào và được quản lý như thế nào? HĐQT cũng cần nắm rõ đâu là các cơ hội có thể được tạo ra từ biến đổi khí hậu. Nhóm làm việc về các Công bố Tài chính về Khí hậu (The Task Force on Climate-Related Financial Disclosures -TCFD) được thành lập vào năm 2015 đã phân loại các rủi ro liên quan đến khí hậu thành ba nhóm:
    • Nhóm các rủi ro vật lý (physical risk): như hạn hán, ngập lụt, tăng nhiệt độ….
    • Nhóm các rủi ro chuyển đổi (transition risk): là các rủi ro liên quan đến khí hậu như các cơ hội hoặc các ảnh hưởng về tài chính như việc thay đổi luật pháp, chính sách, công nghệ, thị trường, danh tiếng…
    • Rủi ro trách nhiệm: là các rủi ro về trách nhiệm liên quan đến biến đổi khí hậu như: các đóng góp liên quan đến biến đổi khí hậu, trách nhiệm khi không tuân thủ các cam kết về biến đổi khí hậu….

Trong giai đoạn này HĐQT có thể mời thêm các chuyên gia bên ngoài để nói chuyện về các vấn đề theo hướng cởi mở để HĐQT có được thông tin tổng quát về vấn đề này.

Xác định chiến lược liên quan đến Net Zero

Theo một khảo sát của PwC, 65% các thành viên HĐQT nghĩ rằng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh. HĐQT cần chủ động định hướng cho doanh nghiệp về các mục tiêu và tầm nhìn liên quan đến Net Zero. Để làm được như vậy, HĐQT cần hiểu rõ về xu hướng ngành, yêu cầu của thị trường cũng như ảnh hưởng tới doanh nghiệp khi áp dụng các chiến lược giảm thiểu phát thải khí nhà kính. HĐQT cũng cần hiểu được các yêu cầu về công bố thông tin về phát thải khí nhà kính đối với bản thân doanh nghiệp cũng như xuyên suốt toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không thể công bố thông tin đầy đủ khi các nhà cung cấp của họ không thể có các thông tin chính xác về mức phát thải khí nhà kính.

Một số câu hỏi mà HĐQT cần cân nhắc khi dẫn dắt quá chiến lược hướng tới Net Zero:

  • Liệu các số liệu về mức phát thải khí nhà kính hiện tại cũng như trong chiến lược có dựa trên cơ sở khoa học hay không? Các số liệu cũng như mục tiêu chiến lược được lập dựa trên cơ sở khoa học sẽ đảm bảo các số liệu này được công nhận.
  • Liệu doanh nghiệp có khả năng về con người, công nghệ và kiến thức để đạt được mục tiêu này hay không?
  • Liệu các yếu tố có liên quan đến mục tiêu Net Zero (cả chi phí và lợi ích) có được phân tính và mô hình hóa một cách đầy đủ?
  • Đâu là các mốc thời gian chính cũng như các KPI để theo dõi tiến độ hoàn thành mục tiêu Net Zero?

Xây dựng cơ cấu quản trị và giám sát phù hợp

Khi mục tiêu Net Zero đã được xác định, chiến lược kinh doanh đã được lập với các mục tiêu cụ thể thì HĐQT cần thực hiện vai trò giám sát của mình.

Trước tiên, HĐQT cần xác định cơ cấu quản trị phù hợp. HĐQT cần xác định liệu có cần thiết thành lập một ủy ban riêng biệt thuộc HĐQT để giám sát tốt hơn các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu hay không? Nếu có, HĐQT cần xác định lĩnh vực nào (thường là các vấn đề chuyên sâu) thuộc phạm vi giám sát của Ủy ban này, và lĩnh vực nào (thường là các lĩnh vực tổng quát hơn) thuộc phạm vi giám sát chung của HĐQT. HĐQT cũng cần xem xét việc cập nhật điều lệ hoạt động của HĐQT cũng như Ủy ban nếu như có phát sinh thêm các nhiệm vụ.

HĐQT cũng trả lời các vấn đề sau để hoàn thành tốt vai trò giám sát của mình:

  • Tần suất cũng như nội dung các vấn đề về biến đổi khí hậu xuất hiện trong chương trình nghị sự của HĐQT
  • Đâu là các thông tin và tần suất của thông tin mà HĐQT cần nhận được và nhận được từ ai?
  • Các nhân sự hiện tại có đủ kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện việc giám sát hay không? Có cần bổ sung thêm các thành viên HĐQT có năng lực và kinh nghiệm chuyên sâu về vấn đề này không?
  • Cách thức mà HĐQT được cập nhật/đào tạo về các vấn đề và xu hướng mới về biến đổi khí hậu được thực hiện như thế nào?
  • Đâu là các công bố thông tin về biến đổi khí hậu mà công ty cần phải thực hiện theo qui định cũng như tự nguyện? Cơ chế quản trị và giám sát công bố thông tin của HĐQT được thực hiện như thế nào?

Kết luận
Với các cam kết mạnh mẽ của chính phủ Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế và các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang đứng trước sức ép ngày càng lớn để có các hành động cụ thể và thực tế hơn để đạt được mục tiêu Net Zero. HĐQT cần đóng vai trò tiên phong và định hướng trong suốt quá trình chuyển đổi này của doanh nghiệp. Việc chẫm trễ hành động có thể đẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp trên nhiều góc độ cả hoạt động, tài chính lẫn danh tiếng.

Nguồn: https://viod.vn/vi-VN/bai-viet/xu-huong-quan-tri-cong-ty-2022-net-zero-2050-thuc-su-co-nghia-la-gi-19-01-2022

Trả lời

Your email address will not be published.

You may use these <abbr title="HyperText Markup Language">HTML</abbr> tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*